Tin tức - Blog

Dự án xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm có từ khi nào?

Dự án xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm có từ khi nào?

10/10/2018

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM lên tiếng về chủ trương xây Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm.

20 năm thực hiện ý định xây nhà hát

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM cho hay, tới thời điểm này TP mới thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) đã là quá trễ.

Ông Thạch nói rằng chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng đã có hơn 20 năm trước. Vào năm 1993, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) được thành lập.

Năm 1999, TP dự kiến xây nhà hát tại số 23 Lê Duẩn, quận 1. Tuy nhiên địa điểm được chọn không phù hợp.

Dự án xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm có từ khi nào?
Ông Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM

Cuối năm 2012, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương xây nhà hát trong Công viên 23/9, quận 1. Đơn vị tư vấn thiết kế là 1 công ty của Đức. Dự kiến cuối 2015 công trình sẽ được đưa vào sử dụng.

“Thời điểm đó đã có bản vẽ thiết kế của công ty Đức, TP bước những bước quan trọng để xây dựng nhà hát nhưng sau lại không làm được vì nhiều lý do, trong đó có lý do công viên 23/9 là lá phổi xanh của TP, nếu xây dựng nhà hát sẽ phá vỡ kiến trúc ở đây” – ông Trần Vương Thạch cho biết.

Theo ông Thạch, với nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân TP thì việc xây dựng nhà hát là rất bức thiết.

Hiện TP có 3 nhà hát thì đều đã được xây dựng từ lâu, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất đã xuống cấp, trong đó nhà hát TP được xây dựng từ năm 1900, với 476 ghế, sân khấu nhỏ không đủ để tổ chức những chương trình tầm cỡ.

Nhà hát Hòa Bình được khánh thành vào năm 1985 với 2.500 ghế nhưng đã xuống cấp trầm trọng; riêng nhà hát Bến Thành thì không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của một nhà hát mà chỉ là rạp để biểu diễn.

Dự án xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm có từ khi nào?
Một buổi biểu diễn hòa nhạc ở Nhà hát lớn TP.HCM

Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM cho biết tới thời điểm hiện tại, trụ sở làm việc HBSO vẫn đang là ở tầng hầm Nhà hát TP.HCM. Ngoài việc không có trụ sở làm việc ổn định thì khi chuẩn bị những vở lớn hay các chương trình đều phải đi thuê, mượn điểm tập…

Trên bình diện về người làm văn hóa, ông Trần Vương Thạch nhận định TP đã đánh mất nhiều thời cơ để có những thiết chế văn hóa đủ kỹ thuật cho sự phát triển.

"Xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ không lãng phí"

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch cho hay 2 ngày qua, đã cũng có biết phản ứng trái chiều từ dư luận khi chủ trương đầu tư Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm được thông qua, trong đó có ý kiến về việc đền bù, hỗ trợ cho người dân với sai phạm của TP khi thực hiện dự án Thủ Thiêm.

Ông Thạch nói rất chia sẻ với người dân Thủ Thiêm nhưng đây là 2 việc khác nhau. Việc UBND TP sửa sai, đền bù hỗ trợ người dân ở Thủ Thiêm là chính đáng, phải làm ngay, còn chủ trương xây nhà hát thì đã có từ hơn 20 năm.

Dự án xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm có từ khi nào?
Vị trí dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Với vị trí xây dựng nhà hát thì trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm từ đầu đã có hạng mục nhà hát, chứ không phải mới xuất hiện sau này. Nhà hát sẽ nằm ở lô 1-21 trong khu chức năng số 1 của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhà hát cũng sẽ nằm gần giáo xứ Thủ Thiêm, dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm đang hiện hữu.

“Trong thiết kế đô thị thì phải có hạng mục nhà hát, cũng giống như cuộc sống có cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần” – nhạc trưởng Trần Vương Thạch nhận định.

Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM cho biết ngay từ bây giờ chứ không cần tới lúc nhà hát mới được xây, khán giá của loại hình này đang phát triển rất tốt, trong đó có giới trẻ.

“Năm vừa rồi nhà hát thực hiện nhiều chương trình giai điệu trẻ, mà đối tượng hướng tới là thanh niên, sinh viên, học sinh. Tất cả thế hệ khán giả đó đang hình thành ngày một lớn. Ở TP, có nhiều CLB yêu nhạc cổ điển, nhóm guitar cổ điển của giới trẻ chứng tỏ họ đang quan tâm tới những cái hay, cái đẹp trong nền văn hóa thế giới” – ông Trần Vương Thạch chia sẻ.

Theo nhận định của ông Thạch, có một số người lập luận về sự phung phí, lãng phí…khi nhà hát đi vào hoạt động nhưng đây là sự nhầm lẫn, bởi đây là những giá trị văn hóa, không phải giá trị kinh doanh.

“Tại sao lại phung phí khi mình đặt vấn đề xây dựng 1 đời sống văn hóa phục vụ nhân dân. Để thực hiện mục tiêu lớn đó, TP phải có những thiết chế văn hóa, đó là những nhà hát” – ông Thạch nói và cho biết không phải có chỉ có 1 nhà hát mà ở các quận các huyện cũng cần có nhà hát, để người dân khắp nơi được hưởng những gì tốt nhất.

Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM cho rằng mọi người nên nhìn vấn đề một cách bình tĩnh, khách quan và có hướng tới tương lai lâu dài.

HĐND TP.HCM vừa thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Nhà hát được xây với quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Nguồn vốn để thực hiện từ nguồn thu bán đấu giá khu đất ở số 23, Lê Duẩn, quận 1.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm khẳng định: “Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Nguồn: Vietnamnet.vn

Bình luận (0)

Viết bình luận :