-
-
-
Phí vận chuyển: Tính khi thanh toánTổng tiền thanh toán:
-
Đăng bởi : diengiadung24h.vn 21/08/2018
Trao đổi với PV Dân trí, ông Vương Duy Bảo, cháu nội “Vua Mèo” Vương Chí Sình cho biết, việc cơ quan chức năng cấp quyền sử dụng đất dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa - Thông tin Đồng Văn quản lý lâu dài từ 2012 là chuyện rất buồn cười và không thể chấp nhận được!
Ông Vương Duy Bảo, cháu nội "Vua Mèo" Vương Chí Sình (Ảnh: Xuân Hải).
Ngày 16/8, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ngày có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo (cháu nội “Vua Mèo” Vương Chí Sình) về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương tại xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này.
Bức xúc trước việc “đã làm mà không nói trước”
Tối ngày 20/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Vương Duy Bảo - nguyên là Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH, TT&DL) cho biết, năm 1993 dinh thự họ Vương được Bộ Văn hóa Thông tin (sau này đổi tên thành Bộ VH, TT&DL) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia nhưng gia đình không được bàn bạc, thông báo. Sự việc khiến gia đình, họ hàng của ông rất bức xúc.
Tòa dinh thự nhà họ Vương (Ảnh: Hoàng Ngọc).
Theo ông Bảo, năm 2002 gia đình họ Vương đang sinh sống tại khu dinh thự thì lực lượng chức năng đến “vận động” đưa những người đang sống trong tòa dinh thự ra ngoài để trùng tu tòa dinh thự làm bảo tàng.
“Khi họ đến gia đình, cán bộ địa phương đưa những người họ hàng của tôi ra khỏi dinh thự, với lý do dựa trên văn bản 937-QĐ/BT của Bộ Văn hóa Thông tin, cơ quan chức năng của tỉnh sẽ trùng tu dinh thự làm bảo tàng”- ông Bảo cho biết.
Cũng theo ông Bảo, trước sự việc trên, đại diện gia đình họ Vương (là bố đẻ ông Vương Duy Bảo – PV) đã gửi đơn đến lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng Văn hóa Thông tin thời kỳ đó.
"Bố đẻ tôi là cụ Vương Quỳnh Sơn khi đó đã chuyển công tác về Hà Nội từ năm 1969, hồi đó ông là Chuyên viên cao cấp của Ủy ban Dân tộc Trung Ương. Còn tôi đã công tác ở Bộ Văn hóa Thông tin từ cuối năm 1978 cho đến ngày về hưu năm 2016, nhưng khi công nhận khu dinh thự là di tích năm 1993 tôi và người nhà không hề được thông báo. Bố tôi khi đó đã ‘nặng lời’ với lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin, sau đó họ đã mời gia đình tôi đến để xin lỗi vì sự việc trên”, - ông Bảo cho biết.
Cũng theo ông Bảo, trong thông báo số 1125 năm 2002 của Bộ Văn hóa Thông tin khẳng định, tại văn bản 937, Bộ không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người được thừa kế hợp pháp.
Nhưng mới đây gia đình ông Vương Duy Bảo cho biết, UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.
"Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh Hà Giang là ông Triệu Đức Thanh đã đồng ý với văn bản của Bộ Văn hóa Thông tin, nhưng đến nay lại không thực hiện theo. Gia đình chúng tôi thừa kế, đang còn sống mà lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dinh thự cho Phòng Văn hóa - Thông tin Đồng Văn quản lý lâu dài từ 2012 là chuyện rất buồn cười và không thể chấp nhận được", ông Bảo cho hay.
Cháu nội “Vua Mèo” khẳng định, từ trước đến nay, ông chưa bao giờ ký bất cứ văn bản nào mua bán, trao đổi hay hiến tòa dinh thự này cho Nhà nước.
“Nếu tôi hiến cho Nhà nước thì phải có bảng vàng vinh danh ghi lại hoặc giấy đồng ý hiến được đóng khung treo trong khu dinh thự, nhưng thực tế nếu ai vào thăm sẽ thấy không có những thứ này mà chỉ có bảng công nhận di tích", ông Bảo nói.
Tòa dinh thự có 3 chủ sở hữu
Khu dinh thự Vua Mèo (Vua H'Mông) nằm trên gò đất thuộc thung lũng Sà Phìn, cách trung tâm huyện lỵ Đồng Văn 15 km. Dinh thự và cả mảnh đất rộng lớn bao quanh thuộc sở hữu của Vương Chính Đức (1865-1947), thủ lĩnh cộng đồng người H'Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn trước cách mạng tháng 8. Tòa dinh thự được xây dựng và thi công trong vòng 8 năm mới xong, tổng diện tích lên đến 1.120m2.
Dinh thự vua Mèo có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp. Toàn dinh thự có 3 cung Tiền, Trung, Hậu với 64 phòng dành cho 100 người ở.
Theo ông Vương Duy Bảo, tòa dinh thự có 3 chủ sở hữu nhưng người đại diện cho cả tòa nhà này là ông. “Tòa dinh thự được chia làm ba phần, tiền dinh thuộc quyền sở hữu của gia đình tôi, trung dinh là của các chú bác và anh em họ hàng ở vì đây là nơi sinh hoạt chung có diện tích lớn nhất, hậu dinh là phần sở hữu của con trai và con gái ông Vương Chí Sình – người kết nghĩa anh em với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện đang sống tại Canada”, - ông Bảo cho biết.
Cũng theo ông Bảo, năm 2002 được sự đồng ý của Đảng và Nhà nước đã cấp cho Bộ Văn hóa Thông tin hơn 10 tỷ đồng để phục vụ việc trùng tu và bảo dưỡng khu dinh thự. “Trước khi tiến hành việc trùng tu, họ đã trích 500 triệu đồng từ số tiền hơn 10 tỷ để hỗ trợ những người sinh sống trong tòa dinh thự, mỗi người được hỗ trợ 30 triệu đồng và 100m đất ở phía trước khu dinh thự để làm nơi sinh sống”, - ông Bảo cho biết thêm.
Tháng 6/2018, ông Vương Duy Bảo có đơn gửi Thứ trưởng Văn hóa Đặng Thị Bích Liên đề nghị làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với khu di tích dinh thự họ Vương được thực hiện ra sao.
Bộ Văn hóa chuyển đơn này đến tỉnh Hà Giang và Sở Tài nguyên Môi trường có văn bản trả lời. Sở xác nhận khu dinh thự họ Vương đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn.
Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hoá Thông tin là “hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật”.
Trước những ý kiến trên, ông Vương Duy Bảo khẳng định việc tỉnh Hà Giang tước đoạt quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự họ Vương của gia đình ông là bất hợp lý và sai luật. “Sổ đỏ dinh thự này phải cấp cho chúng tôi bởi những người dòng họ Vương đã sinh sống ở đó hàng trăm năm nay”, ông Bảo nói.
Nguồn: Dantri.vn
Bình luận (0)
Viết bình luận :