-
-
-
Phí vận chuyển: Tính khi thanh toánTổng tiền thanh toán:
-
Đăng bởi : diengiadung24h.vn 06/10/2018
Ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của Bá Kiến, nhân vật có thật được cố nhà văn Nam Cao miêu tả trong tác phẩm “Chí Phèo”, từ lâu trở thành điểm tham quan của du khách.
Theo bờ sông Châu Giang, tôi tìm về làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) – quê hương của nhà văn Nam Cao – trong một ngày gió bấc chớm mùa. Những câu chuyện trong cuộc đời thật ở quê hương nhà văn Nam Cao dần gợi mở.
Khoảnh đất đẹp nhất làng Đại Hoàng bây giờ có nhà tưởng niệm nhà văn Nam Cao, cất giữ những ký ức của nhà văn về làng Vũ Đại – nguyên mẫu của làng Đại Hoàng, bối cảnh xuyên suốt cho những số phận bi hài trong tác phẩm của Nam Cao.
Nhà Bá Kiến được bảo tồn
Ông Trần Hữu Vịnh – người trông coi nhà tưởng niệm Nam Cao và là cháu họ nhà văn – dẫn tôi tìm đến chứng nhân cuối cùng của “làng Vũ Đại” còn sống – cụ Trần Hữu Đạt (93 tuổi), em ruột Nam Cao. Trong căn nhà đã trăm tuổi bằng gỗ lim giữa vườn chuối ngự, ghi dấu một thời niên thiếu của anh em nhà văn Nam Cao, nghe nhắc đến nhân vật Chí Phèo, cụ Đạt khề khà: “Cái anh tên Chí này chả rạch mặt ăn vạ, tính tình có hung hăng, có đi đòi nợ thuê thật nhưng chưa đâm chém ai bao giờ”.
Câu chuyện của cụ Đạt kể về Chí Phèo ở đời thật có thể phác họa: Chí quê quán đâu không rõ, thình lình xuất hiện và sống trong cái lò gạch cũ. Ngày ngày Chí đi khuân hàng cho kẻ chợ Bến Trong, được vài xu lại mua phèo lợn nhắm rượu nên Nam Cao đặt luôn cho tên Chí Phèo. Tính cách cộc cằn, quậy phá của Chí Phèo được Nam Cao mượn thêm số phận của hai người cố cùng khác, những kẻ cũng kế thừa cái lò gạch cũ sau khi Chí bỏ làng đi phu và biệt tích.
Nhưng cho dù đã được Nam Cao gắn thêm sự lưu manh, thì ở đời thật cũng không có anh Chí nào đâm chết Bá Kiến, mà kỳ thực cụ Bá sống đến tận sau năm 1945. Nhà Bá Kiến cách nhà Nam Cao non cây số, giờ vẫn còn nguyên vẹn, đã được Nhà nước mua lại năm 1998 để bảo tồn. Ông Vịnh kể cụ Bá có 12 người con, sáu bà vợ, nay ở lại làng vẫn còn một người con, một nông dân chất phác. “Nhưng có lẽ vì tác phẩm Nam Cao phổ biến quá nên các con cụ Bá không ai muốn kể về nguyên mẫu của cha mình trong cuộc đời thực” – ông Vịnh nói.
Đi tiếp về hướng bãi sông, ông Trần Hữu Vịnh chỉ căn nhà nhỏ khuất sau những bụi chuối ngự và nói đó là nhà của ông B., con trai của Chí. Ông B. đã mất nhưng hai người con gái ông vẫn còn sống ở làng. Ở nhà tưởng niệm Nam Cao tại Đại Hoàng còn bức ảnh duy nhất về hậu duệ của Chí do nhà văn Nguyễn Thế Vinh, tác giả cuốn sách Nam Cao những mạch nguồn văn, chụp vào năm 1996. Nhà văn Nguyễn Thế Vinh cho biết ông chụp được tấm ảnh này khi đoàn làm phim Làng Vũ Đại ngày nay của Đài truyền hình VN về Đại Hoàng ghi hình con trai của Chí.
Thị Nở thật còn khó coi hơn
Ông Trần Hữu Vịnh nhớ khi còn sống, ông Phó Hộ (Trần Khang Hộ) – bạn chí cốt của Nam Cao từ ngày thơ bé – từng kể người sinh con cho Chí là một người đàn bà đã có chồng con chứ không phải Thị Nở. Vì hay đi buôn trứng từ chợ Chanh (Nam Định) về ngang lò gạch, chị này thường bị Chí chọc ghẹo và đã ngã lòng trong một đêm trăng thanh vắng chỉ có “những tàu lá chuối giãy lên đành đạch như hứng tình” như Nam Cao từng miêu tả. Sau khi mang thai và đẻ ra ông B., có tin vì xấu hổ nên người đàn bà ấy đã bỏ đi biệt tăm, bỏ lại ông B. lớn lên bằng cơm nhờ, bú thép.
Ông Vịnh kể tiếp: “Cái đêm tình tự với Chí trong cái lò gạch cũ của người đàn bà buôn trứng được Nam Cao ghép với số phận của một người dở hơi nhất làng có tên là Trần Thị Nở, mà suy theo gia phả thì nhà văn phải gọi bằng… mợ”. Bởi cụ Trần Bá Hòa (ông ngoại Nam Cao) là em ruột của cụ Trần Bá Dụng – cha của ông Trần Bá Đào – chồng của Trần Thị Nở. Các cụ cao niên ở Đại Hoàng kể Thị Nở ngoài đời có nhiều dở hơi hơn cả những gì Nam Cao viết, chỉ biết mỗi việc làm cỏ thuê cho bà ngoại Nam Cao bằng cái chép cùn, bạ đâu thì ngủ đó. Lần bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy chiếu ở làng, dù nữ diễn viên Đức Lưu vào vai Thị Nở rất đạt nhưng các cụ cao tuổi vẫn chép miệng: “Thị Nở ngoài đời còn khó coi hơn nhiều!”.
Chủ tịch xã
20 tuổi, Nam Cao đã bôn ba tận Sài Gòn, làm việc trong một hiệu may của người chú, rồi mấy năm sau lại trở ra Hà Nội làm nghề dạy học. Nhưng những trang viết của ông dường như chưa bao giờ bước ra khỏi con người và hồn quê “làng Vũ Đại”. Đó là nơi Nam Cao đã lớn lên, trưởng thành rồi ra đi và lại trở về, và trở thành vị chủ tịch xã đầu tiên sau những ngày Cách mạng tháng 8-1945. Lịch sử Đảng bộ huyện Lý Nhân còn ghi Nam Cao chính là người đứng lên phát biểu kêu gọi mọi người ủng hộ Việt minh, đứng lên phá kho thóc Nhật ở Lý Nhân. Khi chính quyền mới được lập ở Đại Hoàng, Nam Cao đã được bầu làm chủ nhiệm Việt minh, và đầu năm 1946 ông được bầu làm chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Đại Hoàng.
Đại Hoàng bây giờ nhà lầu san sát, ôtô vun vút trên đường bêtông. Cùng với nhà Bá Kiến, thứ còn sót lại từ tác phẩm là những bụi chuối ngự, được nhân giống từ chính vườn chuối mà Nam Cao lấy làm bối cảnh Chí Phèo và Thị Nở tình tự.
Hỏi cái lò gạch cũ, người cao tuổi trong làng đều nói đó không phải là cái lò gạch do Nam Cao tưởng tượng, dăm chục năm trước nó vẫn còn nằm bên bến đò sông Châu. Ông Trần Hữu Vịnh cũng xác tín điều này, bởi chủ nhân của cái lò gạch – cụ Trần Đức Bào, một thương lái đi bè có tiếng ở vùng chiêm trũng Hà Nam, chính là chồng của cụ Lý Minh, em cùng mẹ khác cha với bà ngoại nhà văn Nam Cao.
Đã 70 năm, những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… đi vào lòng độc giả, về lại “làng Vũ Đại” bây giờ không chỉ để nghe và thấy lại nguyên mẫu của những nhân vật ấy, mà còn để chứng ngộ: một mảnh làng dù bé nhỏ nhưng khi được tưới tắm, cảm nhận bằng tình yêu da diết với quê hương, cũng trở thành những mạch nguồn văn chương bất tận.
Sinh ở Đại Hoàng, mất ở Vũ Đại
Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí, sinh năm 1915. Làng Vũ Đại là ngôi làng không có thật ở Hà Nam, do ông tự đặt nhằm tránh tiếng khi viết dựa trên những câu chuyện, nhân vật ở làng Đại Hoàng, nơi ông sinh ra. Nhưng một sự trùng hợp lạ kỳ khi năm 1951 Nam Cao đã hi sinh tại cánh đồng làng cũng có tên Vũ Đại, thuộc xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Những tác phẩm Nam Cao để lại được vinh danh với Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên năm 1996.
Một điều không may là khi quy tập hài cốt Nam Cao về nghĩa trang liệt sĩ Gia Viễn, một cơn mưa lớn ập đến, cuốn trôi tờ giấy ghi tên tuổi của Nam Cao và 47 đồng chí khác, làm tất cả đều trở nên vô danh. Năm 1996, Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO VN tổ chức với sự tham gia của Hội Nhà văn VN, Bộ Lao động – thương binh và xã hội… đã mở chương trình “Tìm lại Nam Cao”. Đến ngày 8-1-1998, sau khi khoanh vùng được hai ngôi mộ, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã xét nghiệm ADN và xác định được mộ phần của nhà văn Nam Cao, đưa nhà văn về yên nghỉ tại quê nhà. Năm 2004, nhà tưởng niệm Nam Cao được xây ngay cạnh mộ phần của ông.
Vai diễn để đời, đời hạnh phúc
NSƯT Bùi Cường đã về hưu được ba năm, và 32 năm đã qua từ khi ông vào vai Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Nghệ sĩ Bùi Cường kể lại: “Trừ bác Kim Lân đóng vai lão Hạc đã sống qua thời cụ Nam Cao, chúng tôi: cô Mai Châu (vai bà Ba), chú Mạnh Sinh (Bá Kiến), tôi, chị Đức Lưu (Thị Nở), em Hữu Mười (Giáo Thứ)… chưa từng đặt chân đến làng Đại Hoàng khi đóng bộ phim này. Tất cả là nhờ đọc sách và nhờ đạo diễn Phạm Văn Khoa chỉ bảo. Bác Khoa sống với đoàn làm phim như trong một gia đình, chúng tôi quay tại Hà Đông và Bắc Ninh gần nửa năm trời”.
Ông Bùi Cường nhớ lại: “Tôi chỉ đặt chân đến làng Đại Hoàng lần đầu khi được gia đình mời dự lễ bốc mộ nhà văn Nam Cao, đưa di cốt ông từ Ninh Bình về quê – làng Đại Hoàng. Buổi lễ cảm động đó làm tôi nhớ suốt đời. Khi đóng phim lúc còn trẻ, tôi chưa hiểu được vì sao Nam Cao được yêu mến đến thế. Càng già, càng đóng nhiều và làm nhiều phim, nhất là hôm dự lễ đưa ông về quê, nhìn những đoàn người xếp hàng dài dằng dặc từ cổng làng, qua cánh đồng đến ngôi nhà cũ của ông, tôi càng thấm thía giá trị của những gì Nam Cao đã viết, và vinh dự được thể hiện nhân vật đặc sắc nhất của ông”.
Nghệ sĩ Đức Lưu về hưu cũng hơn 15 năm, cô gái Hà Nội tài sắc ngày nào nay đã là bà nội của một đàn cháu. Sau những vai diễn rực rỡ thời thiếu nữ và thiếu phụ, bà vào một vai diễn “ma chê quỷ hờn” nhưng vô cùng ấn tượng là Thị Nở, sau đó bà chuyển sang làm công tác đối ngoại ở Thành ủy Hà Nội, sống cuộc đời bình lặng của một viên chức đến khi về hưu. Chiều chiều, người ta vẫn nhìn thấy một bà cụ đẹp lão dắt cháu từ ngôi nhà rất xinh xắn đi dạo quanh hồ Ba Mẫu. Nhìn bà, không ai có thể tưởng tượng được đã có lúc bà hóa thân vào vai Thị Nở.
Nghệ sĩ Bùi Cường thì vẫn đang bận rộn với vai trò đạo diễn bộ phim 30 tập Đồng tiền đen của một hãng phim tư nhân. Càng về hưu ông càng “đắt sô”. Người ta hay nói vai diễn – đời người, rất nhiều diễn viên hết mình với vai diễn và số phận đã khiến đời họ gặp nhiều bi kịch giông giống nhân vật. Nhưng Bùi Cường thì ngược lại, các vai diễn của ông hầu hết là bộ đội, nông dân, để đời với Chí Phèo. Trong khi ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là một “trai phố”, giờ vẫn sống trong căn nhà khang trang mặt tiền phố Đội Cấn, nơi vợ ông mở tiệm may áo dài nổi tiếng hơn 20 năm nay. Không bay bổng như các nghệ sĩ khác, cuộc đời ông bằng phẳng, êm đềm, gia đình rất hạnh phúc. Có lẽ nghề đã đền bù cho họ chăng, vì những vai để đời của họ trên màn bạc đều là những hình ảnh “ma chê quỷ hờn” và để lại dư vị cay đắng về thân phận con người?
Nguồn: Zing.vn
Bình luận (0)
Viết bình luận :